Sân khấu Chèo làm mới từ nét xưa

VHO- Đêm diễn ra mắt vở Cánh diều lạc gió của Nhà hát Chèo Việt Nam đã khiến nhiều vị khán giả rưng rưng xúc động, bởi câu chuyện của những nhân vật thời phong kiến nhưng vẫn hiển hiện nóng hổi trong đời sống hôm nay. Ai cũng sẽ nhìn thấy đâu đó quanh mình những cô gái trẻ vì “tham vàng bỏ ngãi”, vì những toan tính vụ lợi mà bỏ rơi người đàn ông chân tình giống như nhân vật trung tâm của vở diễn.

Sân khấu Chèo làm mới từ nét xưa - Anh 1

Một cảnh trong vở diễn

Cánh diều lạc gió do PGS Tất Thắng viết kịch bản văn học, chuyển thể chèo: Hồng Mặc Cát; Đạo diễn: NSƯT Đoàn Vinh. Câu chuyện kể về nàng Kim Thảo, sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố là thầy đồ dạy chữ. Nàng đã có lời ước hẹn kết duyên với chàng thư sinh ở quê nhà. Thế nhưng, trong một chuyến vi hành của nhà vua, Kim Thảo đã lọt vào mắt xanh của ngài và được phong làm Thứ phi. Không mấy tiếc nuối cho mối tình với chàng thư sinh nghèo, Kim Thảo nhanh chóng rời bỏ gia đình lên triều đình để tận hưởng vinh hoa, phú quý. Khi cha mất, Kim Thảo cũng chẳng buồn về quê chịu tang. Vì vậy, nàng bị mang tiếng bất hiếu, bị phế và phải đi tu. Diễn biến và các tình tiết trong vở chèo không hề mới, thậm chí khán giả có thể đoán ngay được cái kết của vở, nhưng ê kíp sáng tạo đã khéo kết hợp những ưu thế nổi trội của nghệ thuật chèo truyền thống như tạo trò, đưa những làn điệu cổ đặc sắc để tạo sức hấp dẫn với khán giả. Người nghệ sĩ đã thổi hồn vào mỗi nhân vật để tạo nên những hình mẫu điển hình trong xã hội. Nếu làm phép đối chiếu thì rõ ràng những nhân vật xưa ấy vẫn không hiếm gặp trong đời sống hôm nay.

“Tôi rất tâm đắc với vấn đề mà kịch bản Cánh diều lạc gió của PGS Tất Thắng đưa ra, khi một bộ phận những người trẻ đang có suy nghĩ lệch lạc trong việc định hướng tương lai cho mình. Ngay cả những thanh niên ở nhiều gia đình gia giáo, được nuôi dạy, ăn học bài bản nhưng cũng có những quan điểm sống rất thực dụng, toan tính ngay cả trong chuyện tình cảm, hôn nhân giống như nhân vật trong vở. Họ sẵn sàng vượt qua mọi chuẩn mực đạo đức, bỏ rơi những mối tình đang có để đánh đổi, thậm chí là đánh mất mình trong những cuộc hôn nhân vụ lợi…”, đạo diễn Đoàn Vinh chia sẻ về ý tưởng dàn dựng. Có thể thấy, Cánh diều lạc gió như một lời cảnh báo rằng, hôn nhân không tình yêu, xuất phát bởi sự toan tính sẽ dẫn đến cái kết bi thương giống như nhân vật Kim Thảo trong vở chèo.

NSƯT Đỗ Kỷ, Quyền trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định: “Tôi thấy quy trình dàn dựng của Nhà hát Chèo Việt Nam rất chuyên nghiệp, từ khâu kịch bản văn học chuyển thể sang chèo cho tới cách dàn dựng và diễn xuất. Có thể khẳng định rằng, Nhà hát luôn xứng với danh hiệu là “cánh chim đầu đàn” trong làng chèo cả nước”.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi được Bộ VHTTDL mời tới xem vở diễn với vai trò là thành viên của Hội đồng nghệ thuật, TS Trần Đình Ngôn phấn khởi cho biết: “Trước hết, tôi rất vui vì được xem một vở chèo 100% là chèo “xịn”, chứ không “gieo vừng ra ngô” như một số vở gần đây. Từ tích trò, cấu trúc, diễn biến cho tới phương pháp xây dựng tính cách nhân vật, xử lý hành động trên sân khấu đều tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống. Đặc biệt là các mâu thuẫn trong vở được tổ chức theo dòng tự sự, bám sát đường dây số phận của nhân vật. Hậu quả của nhân vật chính được quyết định bởi tính cách và mong muốn của cô ấy”. Tác giả Trần Đình Ngôn cũng tỏ ra vui mừng khi nhận xét về tác giả chuyển thể chèo Hồng Mặc Cát. Ông khẳng định, qua Cánh diều lạc gió, ngành chèo đã có thêm một cây viết rất “chắc tay”, đó là lý do mà khán giả được đắm mình trong những làn điệu chèo cổ tuyệt vời như: Tò vò, Luyện năm cung, Tòng nhất nhi chung… Điều thú vị là đạo diễn và tác giả chuyển thể đã mạnh dạn đưa những làn điệu vốn chỉ dành cho vai đào thương như Chức cẩm hồ văn cho vai nữ tính cách Kim Thảo; cách xử lý này đã tạo nên nhiều đất cho diễn viên thể hiện.

Điều đáng nói là dàn diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam đều rất chắc nghề, họ chính là những nhân tố quan trọng thổi lửa vào các nhân vật trong tác phẩm. Chỉ với vài gương mặt chính xuyên suốt toàn bộ vở diễn, thế nhưng khán giả vẫn bị hút vào tình tiết các câu chuyện và đặc biệt là được thả hồn lắng nghe những giai điệu ngọt ngào trong kho tàng âm nhạc truyền thống. Cánh diều lạc gió khai thác đề tài dân gian nhưng khi xem, khán giả hôm nay vẫn cảm nhận được những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc mà không hề cũ.

 Cánh diều lạc gió là một vở chèo hay, đáng để xem và suy ngẫm. Tuy nhiên, tôi cho rằng những đạo diễn, họa sĩ thiết kế sân khấu nên nghiên cứu áp dụng kỹ thuật công nghệ mới để tạo phông cảnh cho bắt mắt. Sự đơn giản trong thiết kế mỹ thuật đã phần nào làm cho sân khấu chèo trở nên đơn điệu. Đừng cho rằng chèo vốn dĩ là ước lệ nên chiếu chèo cứ mãi đơn giản với vài ba bục bệ, điều đó làm giảm sự sinh động và sức hấp dẫn của vở diễn.

Các nghệ sĩ đã phải nghỉ suốt một thời gian dài bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban giám đốc Nhà hát cần sớm có kế hoạch để đưa “Cánh diều lạc gió” đến với khán giả. Và quan trọng nhất là sáng tạo, phát triển nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên những nét đẹp của nghệ thuật chèo truyền thống.

(PGS.TS TẠ QUANG ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ VHTTDL)

 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc